Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

GÃ TRỌC PHÚ và CẬU HỌC TRÒ NGHÈO...

Một ngày nọ, cậu học trò nghèo đang ngồi đọc sách nơi thềm đất trước hiên nhà, thì có một gã trọc phú đi qua. Nghe thấy cậu học trò đọc toàn những câu chữ cao siêu của thánh hiền thì gã trọc phú vừa không hiểu vừa thấy bực dọc trong người. Gã bèn tiến đến rồi bảo:

- Này cậu kia, thời buổi này mà cậu đọc và học toàn những thứ cổ lỗ sĩ đó làm gì, rặt những thứ đạo đức rẻ tiền, nghe thì cao siêu nhưng rỗng tuếch hết. Vứt hết đi, học lấy những thứ ra cơm, ra gạo mà ăn. Có tiền mua tiên cũng được. Khi có tiền, muốn thánh hiền thì sắm thánh hiền, muốn cao đạo thì vẽ trò cao đạo. Có thằng khác nó học cho mình, hoặc thuê những thằng học rộng nó làm, tội đếch gì mà cứ "Nhân chi sơ tính bổn thiện" như thế. Bố có tiền, bố dí vô hết chùa này miếu nọ, suy ra bố thiện hơn mày!

Cậu học trò nghe hết lời dạy đời của gã trọc phú thì bỏ sách xuống, từ tốn thưa:

- Bác dạy quả không sai, nó hoàn toàn đúng với những người như bác. Cái sự giàu có nhiều cách hiểu, ví như bác thì sẽ hiểu giàu có nghĩa là có nhiều tiền. Còn cháu thì hiểu giàu là giàu trí tuệ và tâm hồn. Một người khi đã giàu có về trí tuệ và tâm hồn, thì cũng khó mà không có tiền cho được. Bác chẳng có gì ngoài tiền, nhưng người có trí tuệ và tâm hồn, họ có đầy đủ những gì mà một con người cần có, chỉ kém bác là chưa có nhiều tiền như bác mà thôi. Tiền bác có, chẳng may mất đi, bác sẽ thành kẻ ăn mày. Nhưng người có trí tuệ và tâm hồn, họ không sợ bị mất tiền, vì họ để tiền khắp mọi nơi, trong mọi túi của người khác, họ thích lấy lúc nào cũng được. Chỉ là, họ không tham để lấy quá những gì họ cần mà thôi bác ạ.

Gã trọc phú nghe xong, mặt đỏ phừng, nhưng cũng cố cười xòa:

- Mày nói thế, hóa ra mày giàu hơn bố đây à.

Hết chuyện.

Chuyện đến tai ông giáo trong làng, ông bèn nói với đám môn sinh:

- Các con ạ, đạo học suy tàn, ngày nay kẻ ở trên thì chỉ biết khư khư ôm ghế mà vơ vét cho đầy túi tham. Đám con buôn thì lấy bạc tiền ra đo thấp cao trong thiên hạ. Kẻ được thời đắc ý thì dè bỉu người thua kém. Người trí thức học hành nghiêm cẩn thì bị xem thường. Thiên đạo đã xoay vần và xê dịch rồi. Tiền bạc là vỏ của sản phẩm xã hội, các con không được chê khinh tiền bạc chính đáng. Đồng tiền mồ hôi nước mắt và phải bỏ trí tuệ động não làm ra, đó là đồng tiền đáng quý vô cùng. Bởi đồng tiền đó sẽ góp phần làm xã hội phát triển và tiến bộ. Nhưng vì một lý do may mắn nào đó mà có tiền, hay tham ô, trục lợi, lừa đảo, buôn gian bán lận v.v... mà có, rồi lên mặt đây ta, thì sớm hay muộn cũng giống như chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" mà thôi. Nay ta tặng các con câu đối liên của các bậc Tiên Nho xưa: Hữu thư chân phú quý | Vô sự tiểu thần tiên. Giờ thì các con học bài đi...
Thầy Chu Giang Phong

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

ĐẠI BÀNG và NGỰA

Đại bàng đang bay trên trời cao, ngó thấy chú ngựa chạy dưới thảo nguyên, nó liền sà xuống rồi bảo:
- Ta nghe đồn, trong bách thú thì ngươi được mệnh danh là kẻ chạy nhanh, chạy khỏe. Nhưng nếu chỉ biết quanh quẩn ở dưới đất thì thật là uổng.
Ngựa dừng chân, lắc lư mớ tóc bờm rồi nói:
- Ta cũng nghe nói, trong muôn điểu, chỉ có ngươi là kẻ làm chúa bầu trời. Nhưng nếu chỉ biết nhìn trông vạn vật từ một phía nơi đôi cánh, mà không cảm nhận được những kỳ thú dưới chân mình, thì cũng thật là đáng tiếc.
Cả hai nói xong thì đều nhếch mép cười nhạt, rồi kẻ trên trời thì bay, người dưới đất thì chạy, chẳng ai ngó lại nhìn nhau. Chuyện dừng ở đó.
----------------------------------------
Sau này, có người học trò nghe được chuyện này, bèn nói:
- Quả thật là uổng! Quả thật là tiếc! Khuyển Mã khỏe chân thì thường hiềm đất hẹp, Ưng Điểu cánh rộng thường ngặt nỗi trời lùn. Ví phỏng trời đủ cao cho Ưng Điểu bay lượn thì chúng đâu tì nạnh với những kẻ dưới chân mình, lại ví phỏng đất đủ rộng cho Khuyển Mã vung chân thì chúng cũng đâu cần phải để ý đến những thứ trên đầu chúng nữa. Thế gian điên đảo vì không ai chịu nhìn mình, chỉ biết nhìn kẻ thấp người cao mà sinh ra lắm chuyện. Thiên hạ chưa bao giờ yên ổn cũng bởi thiên đạo bày ra Càn Khôn nhưng trời đất lại chẳng đủ cao rộng cho muôn loài hít thở. Cho nên, từ vô thủy đến vô chung, cái mộng của thế nhân về một thế giới không có ma quỷ là điều không tưởng. Nếu không có Sa-tăng và ma quỷ, thì chúa hay phật cũng chẳng cần thiết phải có làm gì. Khi con người ta không biết mình là ai, cứ thích làm việc của người khác, cứ muốn có những gì người khác có, thì sự Bình-An trong thân tâm không còn nữa. Mống loạn khởi tự trong mình, chứ thế giới có náo loạn chi đâu. Cái khổ, không phải vì thiếu thốn hay vất vả, mà cái khổ khởi từ chỗ ta không biết quý cái mình có, lại còn luôn truy cầu cái người khác có. Thêm nữa là, chẳng biết cách sửa khiếm khuyết của bản thân mình, lại còn luôn chê bai kẻ khác. Tạo hóa bày ra Càn Khôn, tuy có hơi kẹt xỉn một chút vì không để cho trời đất đủ cao rộng, ấy cũng vì cái ý tạo hóa muốn chúng sinh muôn loài vì nhau mà sống. Mà muốn sống vì nhau được, trước hết phải tự biết mình vậy!

Từ Thầy Chu Giang Phong

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Nhật Bản

Thập niên 60, trừ Nhật, tất cả các nước châu Á đều nghèo. Vô trang web của ngân hàng thế giới sẽ thấy GDP của các nước châu Á trong thập niên này đều tiệm cận mức 0, tức chẳng có gì. 

Chương trình giáo dục các nước châu Á bắt nguồn từ các nước châu Âu, như ở Hồng Công, Singapore, Miến Điện, Thái Lan…là giáo dục hệ Anh quốc, các nước khác là giáo dục hệ Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan..tùy theo từng là thuộc địa của nước nào. Tuy nhiên, giáo dục “Tây” áp dụng cho “Ta” trong thời điểm này hoàn toàn không thích hợp, vì cách tư duy của người phương Đông khác phương Tây. Duy chỉ có Nhật bản, với tư tưởng “Thoát Á Luận” của Fukuzawa (thoát ra sự ràng buộc chằng chịt của tư duy người châu Á) có từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, họ lấy toàn bộ sách vở từ châu Âu, chủ yếu là từ Đức, về biên soạn lại. Và hiệu quả bất ngờ, chỉ sau 2 thế hệ học sinh, Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, và là quốc gia da vàng mũi tẹt duy nhất trong hàng ngũ G7 đến tận bây giờ. Người Nhật giàu có cả trăm năm, nên cốt cách nó khác với các anh nhà giàu mới nổi sau này. 

Thấy giáo dục Nhật quá hay, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Công gần như bê nguyên chương trình giáo dục của Nhật áp dụng. Và chỉ đúng 1 thế hệ học sinh ra trường, bốn quốc gia trên trở thành 4 con rồng châu Á. Giáo dục Nhật tập trung vào 3 yếu tố chính là TINH THẦN DÂN TỘC, TÍNH KỶ LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC, trong đó chủ yếu là thoát được tư tưởng tiểu nông ích kỷ cá nhân nhỏ hẹp. Dân tộc nào hội đủ 3 tính cách này, dân tộc đó sẽ trở thành dân tộc đi “cho việc”, tức mang nhà máy xí nghiệp việc làm đến dân tộc khác để người ta làm cho mình. Ở bất cứ xã hội nào, một người từ làm thuê muốn trở thành ông chủ lớn, cũng phải có 3 tính cách trên, không thể khác được. 

Phillipines

Phillipines lại chọn cách xây dựng một hệ thống giáo dục cực kỳ thực tế. Từ lớp 1, học sinh Phi được học tất cả các môn bằng tiếng Anh, theo sách giáo khoa của Mỹ và Tây Ban Nha. Mục đích của cách đào tạo của giáo dục Mỹ là “to find a job” tức là hướng đến tìm việc làm sau khi ra trường. Phần lớn sinh viên ở Phi khi hỏi “học để làm gì”, họ sẽ trả lời là “để xin việc”. Ở Phi, có khái niệm “việc làm ngon” trong khi ở Nhật Bản và 4 con rồng châu Á, người ta chỉ nói “việc làm”. Ở Phi, người ta cũng có khái niệm “a pretty academic degree” tức “bằng cấp đẹp”. Năm 2009, 8.6 triệu người Phi với đủ thứ bằng cấp trên tay, đi làm việc ở 214 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là Arab Saudia, Malaysia, Singapore, Nhật, Canada, Hồng Công, Anh, Úc, Mỹ…mỗi năm gửi về nước 17-18 tỷ đô la Mỹ (số liệu năm 2008), hơn 10% GDP, một con số rất lớn.


Ở Phillipines, ông chủ các nhà máy phần lớn là người gốc Hoa (Phúc Kiến/Quảng), vốn chiếm khoảng ¼ dân số (đa số là người lai hoặc có tổ tiên là người Hoa, còn người gốc Hoa thuần chiếm rất ít, 1.6% dân số/2008). Người Phi gốc mang đặc trưng của cư dân Đông Nam Á, da ngăm đen, mũi to, mắt đo, tóc xoăn, ngực nở, nhìn rất đẹp. Người Phi được trời phú cho khả năng hát ca hơn người. Các viện đào tạo ca sĩ và nhạc công, vũ công trên đất Phi nhiều vô kể. Nếu bạn vô mấy khách sạn 5 sao ở các thành phố lớn khắp thế giới, sẽ thấy thường trực những ban nhạc người Phi chơi cực kỳ hay.

Tạo hóa cũng ban cho người Phi khả năng ngôn ngữ tuyệt vời, nên họ nói tiếng Anh hay hơn Singapore hay Ấn Độ nhiều, cấu tạo dây thanh quản trong cổ họng của họ giống người da trắng nhất. Người Phi tận dụng thế mạnh này và đào tạo ra giáo viên tiếng Anh xuất khẩu khắp nơi. Các trung tâm ngoại ngữ lớn ở châu Á đều có mặt các giáo viên người Phi. Ở Phi, công nghệ bằng cấp cực kỳ đa dạng. Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…được đào tạo với nhiều hình thức khác nhau, nên dân chúng Phi thường có bằng cấp rất tốt. Họ cũng xuất khẩu bằng cấp cho các nước thích sở hữu bằng. Một nền kinh tế “xin việc” thì thường đề cao yếu tố bằng cấp hơn các nền kinh tế “cho việc”, vì ít ai hỏi ông chủ ông tốt nghiệp trường gì, chỉ thấy làm giỏi là được.

Ở Phi, có 2 nghề họ cũng đào tạo rất kỹ là giúp việc nhà và y tá. Nếu bạn đến chữa bệnh ở Singapore, phần lớn các y tá tiêm thuốc phát thuốc đến từ quốc gia vạn đảo này. Họ dẻo dai, làm việc cực nhọc cỡ nào cũng chịu được, lại vui vẻ yêu đời.

Đàn ông Phi thì thường làm việc ở các nhà máy hay nông trại do các ông chủ từ các quốc gia “cho việc” như Nhật, 4 con rồng châu Á sang đầu tư. Vì về mặt địa lý, Phi gần như trung tâm. Từ Seoul, từ Tokyo hay Đài Bắc cũng chỉ 2-3 tiếng bay là tới. Các công ty đa quốc gia cũng đặt nhà máy tại đây, vì giá lao động rẻ và tiếng Anh giỏi. Đàn ông Phi còn được xuất khẩu lao động sang Singapore, Trung Đông để làm các công việc nặng nhọc như xây dựng, trèo tường lau cao ốc, chặt cây xanh, thông cống đường sá, cho sư tử ăn trong sở thú…, những nghề nguy hiểm mà người bản xứ sợ chết hẻm chịu làm.