Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam

Có lẽ, phát biểu rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa chắc không quá đáng, bởi vì một khuynh hướng chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đang (hay sắp) qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa, mà không dựa trên ý thức hệ (như Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản trong thời gian qua). Trong thế kỷ 21, người ta sẽ hỏi "Anh là ai", thay vì "Anh thuộc phe nào" trong thế kỷ vừa qua. Tức là một sự chuyển biến về nhận dạng từ ý thức hệ sang văn hóa.

Nhưng câu hỏi "Chúng ta là ai" tuy đơn giản, câu trả lời thì không đơn giản chút nào. Tổ tiên chúng ta xuất phát từ đâu, họ đến Việt Nam bằng cách nào, vẫn còn là những vấn đề khoa học, đòi hỏi nhiều nghiên cứu về di truyền học, khảo cổ học, và ngôn ngữ học. Từ thập niên 60 thế kỷ trước, nhiều người, nhất là giới trẻ, đã khao khát muốn tìm về nguồn gốc dân tộc. Nhiều đoàn thể đã tự chọn cho mình cái mục tiêu "về nguồn". Đến khi chiến tranh trên quê hương chấm dứt năm 1975, rồi cả triệu người phải bỏ nước ra đi, sự khao khát tìm về cội nguồn trong những người xa quê hương này càng gia tăng, dù đã phải vất vả nhiều hơn cho cuộc sống mới.

Những chủ đề dưới đây được trích từ Tác giả Nguyễn Quang Trọng, trong bài "Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam" và "Địa đàng ở phương Đông" của Ppenheimer.
Trong bài có đề cập đến nhiều vấn đề, hay định nghĩa cổ xưa như Văn hóa Hòa Bình, Bách Việt mời các bạn đọc thêm tại http://vi.wikipedia.org/wiki/Bách_Việt để có cái nhìn khái quát hơn về nguồn gốc của dân tộc Lạc Việc cũng như khởi đầu của nền văn hóa Hòa Bình.
  • Thứ nhất, có phải kỹ thuật làm đồ đồng thau (dụng cụ, vũ khí) của cư dân Đông Sơn có trình độ cao nhất, nhì thế giới. 
Sau Hội nghị Quốc tế họp ở Berkeley bàn về Nguồn gốc văn minh Trung Hoa năm 1978, mà các bản tham luận, sau khi các dữ kiện được kiểm nghiệm, so sánh với ý kiến của các học giả khác, đã được xuất bản năm 1980. Người ta thấy đồ đồng Đông Sơn có niên đại xưa nhất tìm thấy được ở Tràng Kênh thuộc Văn hóa Phùng Nguyên. Đồ đồng Đông Sơn cũng có kỹ thuật cao nhất vì đã biết pha với chì, khiến hợp kim có độ dai bền đặc biệt (hợp kim đồng ở Thái Lan hay nhiều nơi khác có thể pha chế đồng với sắt, thiếc, antimoin) nhưng không có chì.
  • Thứ hai, về đồ gốm Việt Nam xuất khẩu khắp Đông Nam Á, đến tận Malaisia, trước khi có ảnh hưởng của Ần Độ.
Gốm là một di vật rất quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong ngành khảo cổ, vì nó phản ảnh rõ nhất, đầy đủ nhất nếp sống, tư duy, nói chung, văn hóa của người xưa. Vì vậy, những nghiên cứu về gốm có sự thận trọng rất lớn. Gốm Lapita nổi tiếng nhất Đông Nam Á tìm được ở các đảo Thái Bình Dương, cụ thể đó là vùng bờ biển phía Tây đảo New Caledonia. Và khảo cổ học đã chứng minh gốm Lapita có nguồn gốc từ gốm trong hang động ở Thường Xuân (Thanh Hóa), Quỳ Châu (Nghệ An), Xóm Thân (Quảng Bình).
  • Thứ ba, về quê hương của kỹ thuật trồng lúa
Chính thuyết trình viên người Trung Hoa, GS. Te-Tzu-Chang, phát biểu trước hội nghị quốc tế cũng trình bầy rõ, xét theo lịch sử Trung Hoa, lúa mạch là thực phẩm chính từ thời tiền sử đến nhà Chu, lúa tắc, mạch và đậu nành là thực phẩm thời Xuân Thu - Chiến Quốc, lúa nước chỉ là thực phẩm phổ biến tại Trung Hoa từ đời Hán về sau. Như vậy, phải chăng ông đã khẳng định lúa nước thuộc văn hóa phương Nam, chỉ trở thành thực phẩm chính ở Trung Hoa khi đất đai phương Nam thuộc tộc Bách Việt đã sát nhập vào Trung Hoa.
Quê hương lúa nước ở vùng Đông Nam Á là một sự thực, dù còn nhiều chi tiết cần tìm hiểu, bàn luận thêm. Nay nếu cứ đem những tiểu tiết che lấp đại thể thì vấn đề chỉ thêm rối rắm. Ngay sự thực trước mắt ngày nay cũng cho thấy người Hoa Hán ăn mì, người Hoa Nam, cả Nhật Bản, Đại Hàn và các dân Đông Nam Á khác ăn gạo.
Toàn bộ đồng bằng Bắc Việt ngày nay đã bị nhận chìm dưới làn nước biển suốt từ 8.000 năm đến 5.000 năm trước đây (5.500 năm trước nước biển mới bắt đầu rút). Lúc ấy, nước biển thấp hơn ngày nay 130m, châu thổ sông Hồng xưa (cứ gọi như vậy) kéo dài đến tận đảo Hải Nam. Vậy nếu lúa nước có được thuần hóa thì di tích phần lớn đã bị hủy hoại (ở phần nước biển đã rút trả lại đất đai như ta thấy ngày nay) hay hãy còn ở sâu dưới lòng biển (ở phần vẫn bị nước biển tràn ngập). Việc không tìm ra di vật lúa nước có niên đại tối cổ cũng như việc không tìm ra di vật gốm tối cổ, ngoài lý do nó bị nước biển tàn phá, còn có thể vì nền khảo cổ của ta còn non trẻ lại thiếu phương tiện, nước ta trước đây có chiến tranh lại không quan tâm đến việc kêu gọi các nhà khảo cổ quốc tế tới thực hiện việc thám quật khảo cổ như các nước lân cận, chứ không hẳn vì không có. 
  • Thứ tư, trước khi tiếp xúc với người Hán, tổ tiên chúng ta có một nền văn minh rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất Đông Nam Á. 
Có phải Văn minh là thực hiện được những tiến bộ khoa học rất ngoạn mục, chinh phục các phần đất khác trên thế giới, bắt dân các nơi làm nô lệ. Nếu là vậy chính nền văn minh này là nguyên nhân của những cuộc chiến triền miên (thế chiến I, thế chiến II) có thể đưa nhân loại đến chỗ diệt vong.
Trong trường hợp này thì văn minh nhất lại đồng nghĩa với man rợ nhất. Lấy tiêu chuẩn của những nhà viết văn minh cổ sử mà xét, thì một xã hội được coi là văn minh khi có được những sáng chế đưa nhân loại thoát khỏi thời kỳ mông muội. Ba sáng chế quan trọng nhất trong tiêu chuẩn này là sự phát minh ra kỹ thuật thuần hóa lúa nước, kỹ thuật hàng hải và kỹ thuật xây dựng đô thị. Và theo cái chuẩn này thì những người chủ nhân của Văn hóa Hòa Bình, được hiểu là những người phát xuất từ Đông Nam Á, tổ tiên của người Bách Việt, đáng gọi là có nền văn minh cao nhất thời ấy, nghĩa là thời mà nhân loại mới bước từ đời sống mông muội sang đời sống văn minh.
Đó mới chỉ nói đến nền văn minh vật chất, chưa nói đến văn minh tinh thần. Khảo về văn minh tinh thần, về triết học tư tưởng của người cổ Việt, thì hiện tại, gần như chưa có ai nói tới một cách có hệ thống. Những tư tưởng Đông phương rất cao thâm như Nho, Lão, Phật. Đều nói là hoặc của người Trung Hoa, hoặc của người Ần Độ, không có gì là của tổ tiên người Việt. Nhưng nếu đã khẳng định bằng di truyền học DNA, ngôn ngữ học, hải dương học, khảo cổ học, dân tộc học, tập tục truyền thống học... rằng người Hòa Bình, tức người Bách Việt ở Đông Nam Á đã có sớm nhất và là nguồn gốc của văn minh Đông phương thì cũng phải khẳng định tư tưởng đầu tiên, nền văn minh tinh thần đầu tiên của nhân loại Đông phương cũng do người Hòa Bình này khởi động. Điều này đến nay không có văn bản nào nói như vậy vì từ khi con người sáng chế được ra chữ viết đủ để ghi chép lại thành sách, người thuộc Đại tộc Bách Việt đã mất độc lập về tay người Hoa Hán, vì vậy những văn minh văn hóa của người Bách Việt, nếu có, (và chắc phải có), đều đã trở thành văn minh Trung Hoa. Nằm trong khung "văn minh" đó, tư tưởng của người Cổ Việt cũng đã được mang nhãn hiệu Trung Hoa cả. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều thứ như di vật khảo cổ, văn minh truyền khẩu, tập tục truyền thống. Nếu biết "đọc" chúng, biết khai thác thì chúng sẽ cho ta biết nền văn hóa, văn minh tinh thần đó gốc gác nó từ đâu, nội dung chân chính của nó như thế nào. Nay chỉ nói về hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, nếu biết giải mã, ta sẽ thấy chúng thuộc một nền văn minh tinh thần rất cao.

Nói như vậy chỉ để làm cơ sở để phát biểu rằng, trước khi tiếp xúc với người Hoa Hán, quả người Hòa Bình, tổ tiên chúng ta đã có một nền văn minh rất cao. Còn việc nghi ngờ văn minh này không chắc là "cao nhất", bằng cớ là đã bị người Hoa Hán đánh thua vì họ có kỹ thuật quân sự dựa trên văn minh đồ sắt cao hơn văn minh đồng thau của tổ tiên ta thì lại là một vấn đề khác. Nó không hề phủ định đã có thời tổ tiên ta có nền văn minh cao nhất.

Trích dẫn, Vietsciences.free.fr


Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Bạn nên học gì từ tên cướp nhà băng?


Họ đã cướp nhà băng như thế nào? Mời các bạn cùng đọc. Câu chuyện kể về nhóm cướp nhà băng Việt Nam - "Giả lập".
"Xin quý vị ngồi im! Tất cả chúng tôi đều hiểu tiền bạc có thể cướp, chức tước có thể mua được chứ văn hóa thì phải học. Bọn tôi tôn trọng tự do, tín ngưỡng, thân thể và các quyền con người cơ bản của quý vị. Bọn tôi chỉ lấy tiền, đừng ngu ngốc kéo chuông báo động vì chúng tôi sẽ giết những kẻ ngu ngốc mà ở đây rõ ràng không có ai như thế. Súng luôn có đạn, đạn luôn luôn được chế tạo bởi các hãng sản xuất có uy tín, có đức độ nên lúc nào cũng xuyên vào người. Lúc ấy quý vị có gọi bác sĩ hay thuê luật sư cũng quá chậm.
Tiền ở đây mang ra chúng tôi hứa sẽ không dùng chúng một cách phí phạm, sẽ dùng quá nửa để mua sách và đóng học phí, xây ký túc xá, viện trợ cho trẻ em nghèo ở miền trung. Phần còn lại chúng tôi hỗ trợ lương cho ngành giáo dục.
Đừng có liều mạng vì tiền, hãy liều vì tự do hay vì nền văn minh nhân loại. Tính mạng của các người là của các người. Nhưng tiền là của các ông chủ. Bất cứ ai có giáo dục cũng biết có thể trao tâm hồn cho ông chủ nhưng không trao tính mạng. Mỗi năm thế giới có 2.576 vụ cướp nhà băng. Nhưng chỉ có 345 nhân viên bị bắn. Chả ai trong số đó được gắn huy chương. Vậy các người chọn đi".



Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Tháng 5/2014 Suy nghĩ trong những ngày tháng 5 không bình yên

Với sự việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc tại Biển Đông, liệu còn ai mơ hồ về những nguy cơ mà đất nước sẽ phải đương đầu trong giai đoạn lịch sử khắc nghiệt tới? Như các bạn đã thấy rõ chúng ta có chính nghĩa, được các nước tôn trọng thông cảm, và ủng hộ. Nhưng có lẽ chúng ta không thể trông cậy nhiều hơn từ thực tế đó.


Trong những ngày qua tàu phía Trung Quốc phun vòi rồng làm hỏng nhiều tàu thuyền phía Việt Nam, hơn 80 tàu thuyền bên phía Trung Quốc được điều động để bảo vệ giàn khoan "Lãnh thổ di động của Trung Quốc".


Nếu chuyện các nước yêu hoà bình, công lý từ trong ASEAN hay rộng hơn, chưa thể cùng nhau thành bó đũa ngay để bảo vệ mình và cộng đồng, thì trước hết những người cùng một dân tộc muốn đất nước tồn tại, vượt qua thử thách cần phải làm được điều đó. Để giữ được hoà bình, giữ được quyền sống và phát triển, chỉ có một con đường: Tăng cường nội lực. Nội lực có mạnh mới tránh được xung đột – điều mà người Việt Nam không bao giờ muốn gặp lại trên đường đi của mình.

Trong thế giới còn đang giằng xé bởi cuộc cạnh tranh quyền lợi và ảnh hưởng, chúng ta trước hết phải tự lo cho mình thì mới hy vọng đứng vững. Chỉ mười năm trước thôi, chúng ta có bối cảnh quốc tế thuận lợi như thế nào. Bây giờ bối cảnh phức tạp ra sao. Và chúng ta chưa thể biết hết những chuyển biến tốt xấu trong giai đoạn tới. Tác giả của quyển sách “Thế giới phẳng” đang ở Việt Nam. Và khi dẫn dắt câu chuyện liên quan đến Biển Đông, ông cũng không tìm ra cách diễn đạt tốt hơn, là lấy hình ảnh quen thuộc: "Nếu là một bó đũa, bạn không thể bị bẻ gãy".

Quả thật câu chuyện Việt - Trung ở hiện tại có nét tương đồng với "câu chuyện phía trên kia của bản đồ thế giới" giữa Nga và Ukraine. Câu chuyện ngụ ngôn của thế kỉ 21.
"Con gấu nói với Ukraine: Hãy cưới anh, hãy cưới anh, không thì anh sẽ giết em. Và con hổ lớn nói với Việt Nam: Hai bình sữa này quá ngon, anh sẽ uống của anh của em và cả của người ta."

Trên thế giới có những nước nhỏ, nằm trong vòng xoáy xung đột, nhưng vẫn vững mạnh, chẳng ai bắt nạt nổi, chủ yếu là do biết tập trung sức của cả dân tộc để phát triển thành công kinh tế, công nghệ tiên tiến, quân đội tinh nhuệ, tổ chức và quản lý xã hội tối ưu.
Ví dụ điển hình nhất cho lý luận này đó là quân đội Israel họ được ví ngang hàng với Harvard, Princeton và Yale ở Mỹ. Sự thật ở Israel, quá khứ quân ngũ của một người đôi khi còn quan trọng hơn quá khứ học hành của họ. Israel là một quốc gia đối mặt với kẻ thù ở tứ phía, dân số ít ỏi, quân đội là đơn vị đặc biệt nhất ở Israel đảm bảo cho sự sống còn của đất nước. Thanh niên Israel vào quân ngũ trước, học đại học sau. Do đó không đâu trên thế giới sở hữu nhiều quân nhân/cựu quân nhân thành công trên thương trường như Israel. Và Việt Nam chúng ta cũng đang bắt đầu làm điều đó.


Sức mạnh quân đội nhân dân Việt Nam - Dựng phim Sairagon 1988





Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Xin cảm tạ Người thầy thông thái và đạo hạnh

Chào đón tuần mới bằng việc đọc lại 1 câu chuyện cũ, nhưng dù đọc bao nhiêu lần, vẫn luôn cảm thấy rất hay và sâu sắc.

"Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:
-Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy
Thầy hiền hòa nhìn tôi trả lời:
- Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác.
Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm giác như bị xúc phạm, tôi không phục, liền nói:
-Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!
Thầy trả lời:
-Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.
Tôi nói:
-Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…
Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình.
Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân từ đôn hậu, người từ tốn nói với tôi:
Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy.
-Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.
Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!
Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.
Sư phụ tiếp tục mỉm cười:
- Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.”
Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.
-Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”
Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.
-Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.”
-Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
-Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?
Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.
Ngồi im lặng hồi lâu…xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này,phải chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?
Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!"



Từ Đạo Tâm